Ngành công nghiệp bao bì có liên hệ mật thiết với hoạt động xuất khẩu hàng hóa, các ngành sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng và nhiều nhóm ngành khác, ngành công nghiệp bao tbì đang trên đà tăng trưởng ổn định khi nhiều ngành sản xuất tăng trưởng tốt.
Đánh giá về sự phát triển của ngành công nghiệp bao bì Việt Nam thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Sang – Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam (VIPAS) cho biết, đây là một trong những ngành công nghiệp phát triển mạnh ở Việt Nam, đặc biêt khi nhu cầu trong nước ngày càng cao đối với hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm và mở rộng xuất khẩu những sản phẩm cần được đóng gói. Lĩnh vực đóng gói bao bì tăng trưởng trung bình từ 15 – 20%/năm. Hiện tại, Việt Nam có hơn 900 nhà máy đóng gói bao bì, khoảng 70% trong số đó tập trung ở các tỉnh thành phía Nam. Thị trường có thể được chia làm 5 lĩnh vực chính bao gồm đóng gói bao bì nhựa, carton/giấy, đóng gói kim loại và các loại khác.
Hiện tại, có khá nhiều DN đang tham gia vào thị trường bao bì với các chủng loại sản phẩm khác nhau như giấy, nhựa, màng kim loại, chai nhựa PET… Phân khúc thị trường cũng có sự phân chia rõ rệt giữa các DN phục vụ cho các đối tượng khách hàng nhỏ lẻ và các DN bao bì có thương hiệu chiếm lĩnh hầu hết nhóm các khách hàng lớn. Chẳng hạn, nhóm chai nhựa PET với những thương hiệu lớn như Ngọc Nghĩa, Bảo Vân; Nhựa Tân Tiến, Nhựa Rạng Đông chiếm lĩnh thị phần bao bì nhựa thân thiện với môi trường được dùng trong đóng gói sản phẩm; còn nhóm bao bì giấy cho thị trường sữa, thị phần tập trung vào Tetra Pak (Thụy Điển), Combibloc (Đức)… vì yêu cầu công nghệ cao.
Một chuyên gia trong lĩnh vực bao bì cho biết doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm đến sự tinh tế của bao bì sản phẩm, cho đó là yếu tố thu hút khách hàng giúp đem lại doanh số cao. Bên cạnh đó, bao bì giúp bảo quản chất lượng sản phẩm, giảm mất mát, hao hụt… nên cũng là lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật ngày càng cao. Có thể nói bao bì đóng góp một phần quan trọng trong quyết định lựa chọn sản phẩm của người mua.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng hoạt động của doanh nghiệp bao bì trong nước nhìn chung vẫn nhỏ lẻ, lạc hậu; trình độ quản lý yếu kém; vốn ít và rất khó tiếp cận nguồn vốn vay… Xét về mọi mặt, từ điều kiện sản xuất kinh doanh đến năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp nước ngoài đều thể hiện sự vượt trội, lấn lướt; còn doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tỏ ra đuối sức khi phải chịu áp lực kép: vừa phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài vừa bị lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu, kỹ thuật, máy móc nhập khẩu…
Từ phía Nhà nước, chính sách cho ngành bao bì cũng ít được chú ý. Cụ thể ngành chưa được cấp mã ngành kinh doanh riêng, vẫn là những ngành con nhỏ lẻ nằm trong các ngành khác với mã ngành ở cấp 4, cấp 5…
Một số doanh nghiệp trong nước chấp nhận bán công ty hoặc cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài khi mà thị trường được dự báo có nhiều tiềm năng phát triển vì họ cho rằng khi hội nhập, doanh nghiệp nước ngoài sẽ đưa vào công nghệ hiện đại hơn, những thiết kế mẫu mã đẹp hơn, họ quản trị tốt hơn và họ cũng có cả mối quan hệ tốt hơn với các tập đoàn nước ngoài khác. Nhiều doanh nghiệp Việt cảm thấy đuối sức nên quyết định bán.
Mặc dù vậy, vẫn có một số doanh nghiệp bám trụ, tiếp tục đầu tư mở rộng thị trường. Và để cạnh tranh được thì họ bắt buộc phải đầu tư công nghệ hiện đại, có chiến lược bài bản…